Tham dự toạ đàm có ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị từ trung ương đến địa phương; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cực Kiểm lâm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; lãnh đạo các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, Đakrong, Hướng Hoá; các chủ rừng và địa phương triển khai chương trình “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn” do VARS khởi xướng và thực hiện.
Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), chương trình “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn” đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La. Năm 2023, VARS tiếp tục trồng mới thêm 57,8ha rừng ở Quảng Bình, nâng diện tích rừng trồng theo chương trình của tỉnh lên 243,6ha. Trồng 207,8 ha tại Quảng Trị, nâng diện tích rừng của tỉnh này lên 267,9ha.
Tính đến tháng 3/2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên 521ha, tương đương với 617.102 cây giống bản địa, như: Lim, dổi, huỵnh, vàng tim, de, lát, xoan... Diện tích rừng trồng của VARS trên địa bàn thực hiện chương trình được chăm sóc, bảo vệ tốt nên ngày càng phát triển.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đánh giá kết quả ban đầu và bài học kinh nghiệm của việc thực hiện mô hình trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa. Đồng thời, xác định các giải pháp nhằm xã hội hoá nguồn lực để phát triển rừng bền vững.
Trước đó, ngày 28/3, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam đã tổ chức cho các đại biểu tham quan mô hình rừng trồng tại các xã Kim Hoá, Hương Hoá và Lâm Hoá. Theo đánh giá, tất cả các mô hình trồng rừng bằng cây bản địa do VARS triển khai đã và đang phát triển tốt, được cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao. Một số diện tích cây trồng năm thứ 3 đã bắt đầu khép tán. Việc trồng và chăm sóc rừng đúng quy trình. Chủ rừng được hỗ trợ cây giống, phân bón, kinh phí chăm sóc kịp thời, đảm bảo chất lượng.
Bước sang năm thứ 4 của chương trình “Góp một cây để có rừng”, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200ha rừng tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở hoạt động trồng rừng, VARS sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững.
Văn Tư – Tuấn Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn