Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ

Thứ hai - 04/11/2024 03:31
Sáng 4/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và một số xã trên địa bàn tỉnh triển khai công tác ứng phó với mưa lũ đầu tháng 11/2024.  Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh và đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh chủ trì cuộc họp.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ

Tham dự tại điểm cầu huyện Tuyên Hóa có đồng chí Lê Nam Giang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện; Đồng chí ĐinhTiến Dũng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS huyện; Thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Bình từ tối ngày 3 đến sáng ngày 5/11, tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, mưa to. Trong ngày và đêm 5/11 có mưa to cục bộ, có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi trên 200mm. Mực nước trên các sông lên báo động 2, báo động 3. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, các sở, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương tổ chức khắc phục nhanh hậu quả của đợt mưa lũ trước nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTT, ứng phó với mưa lớn và lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nhân dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven biển, vùng thường xuyên ngập lụt sâu. Đồng thời, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công, an toàn hồ đập và vùng hạ lưu. Thường xuyên thông tin kịp thời diễn biến của mưa, lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
 Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ứng phó với bão số 6 và đợt mưa lũ vừa qua cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục ứng phó hiệu quả với đợt mưa lũ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng yêu cầu cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh khẩn trương thống kê thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Các địa phương phải khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất, sinh hoạt, học tập của người dân và học sinh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tình hình thiên tai đang diễn biến phức tạp, vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm các đợt mưa lũ trước, phát huy kết quả đạt được để ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thực hiện, quán triệt nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường công tác tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác diễn biến mưa lũ và tình hình thiệt hại. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trụ sở, cụm dân cư ven núi, đồi, bờ sông, bờ suối khẩn trương rà soát, kiểm tra kỹ khu vực xung quanh, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sạt lở, lũ quét để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu, pin dự phòng... tại vùng thường xuyên bị chia cắt, đề phòng mưa lũ kéo dài,…
Kết thúc hội nghị, Đồng chí Lê Nam Giang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các công điện, văn bản chỉ đạo của của tỉnh, huyện về công tác PCTT, ứng phó với mưa lớn. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời triển khai các phương án ứng phó, chủ động sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.


Thế Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây