Tính nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ sáu - 30/07/2021 04:35
Tính nhân văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đai tướng Võ Nguyên giáp là một con người đặc biệt. Không được đào tạo qua một trường lớp quân sự nào, từ một thầy giáo dạy lịch sử chuyển sang chỉ huy quân sự theo sự lựa chọn và phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng dưới sự dẫn dắt của Đảng và Bác Hồ kính yêu và sự nỗ lực cố gắng của bản thân, Ông đã trở thành một thiên tài quân sự. Ông  được phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của quân đội khi mới 37 tuổi (1948) và cho đến khi từ giã cõi đời này vẫn là Đại tướng. Trong cuộc đời cầm quân của mình Ông đã dẫn dắt quân đội từ chỗ chỉ có 34 chiến sỹ trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trở thành một quân đội hùng mạnh, thiện chiến. Với tài chỉ huy, thao lược của Ông đã đánh thắng 2 đội quân xâm lược hùng mạnh là Pháp và Mỹ.                                                                                             
 Là một thiên tài quân sự, trong con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có tính nhân văn sâu đậm. Đặc biệt trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tính nhân văn đó càng được thể hiện rõ nét. Khi địch mới đổ quân xuống Điện Biên Phủ và bị quân ta bao vây 4 phía, phương châm của chiến dịch ban đầu là “đánh nhanh, giải quyết nhanh” với yêu cầu “ đánh tiêu diệt” và “đánh chắc thắng”. Sau một thời gian chuẩn bị, thời gian nổ súng giờ G đã được ấn định, nhưng trước khi chuẩn bị phát lệnh bắt đầu chiến dịch, Đại tướng cảm thấy chưa yên tâm, ông đã cẩn thận kiểm tra lại tình hình thì thấy địch đã được tăng cường với lực lượng mạnh hơn, quân số không phải chỉ có 10 tiểu đoàn mà đã tăng lên gần gấp đôi, hệ thống phòng ngự trận địa đã được củng cố, có công sự vững chắc và đã hình thành thế liên hoàn của một tập đoàn cứ điểm mạnh. Nếu đánh địch ngay thì sẽ không chắc thắng mà có khi  lực lượng ta sẽ bị tiêu hao nhiều. Lúc này Ông nhớ lại câu nói của Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Ông trước khi bước vào chiến dịch: “ Tổng tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”.Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”và một câu trong nghị quyết của Trung ương đầu năm 1953: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”. Thực tế qua 8 năm kháng chiến tuy bộ đội đã trưởng thành nhưng vốn liếng thì còn ít. Chúng ta chỉ mới có 6 đại đoàn chủ lực, hầu hết đều tập trung trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, Đại tướng suy nghĩ và đi đến một quyết định khó khăn nhất là “ không thể nào đánh nhanh được” bởi 3 khó khăn lớn. Thứ nhất, bộ đội chủ lực của ta chỉ mới tiêu diệt cao nhất là một tiểu đoàn địch, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Thứ 2, trận này ta chưa có xe tăng và máy bay, nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Thứ 3, bộ đội từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm mà chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng…Vì thế không thể đánh địch theo kế hoạch đã định. Ông còn khẳng định với trưởng đoàn quân sự bạn: “ Nếu đánh là thất bại”. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, sáng ngày ngày 26/01/1954, Đai tướng đã trình bày phương án thay đổi của mình với Đảng ủy mặt trận với những khó khăn đã nêu  trên, tuy nhiên vẫn giữ vững quyết  tâm “tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ nhưng phải thay đổi cách đánh”. Sau một hồi bàn bạc trao đổi, cũng có những ý kiến phân vân không đồng tình, nhưng cuối cùng mọi người nhất trí cao và Ông đi đến kết luận: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nên quyết định: Hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lùi về địa điểm tập kết và kéo pháo ra, chuẩn bị lại đầy đủ và kỹ càng về mọi mặt”. Quyết tâm của Ông đã được Đảng ủy chiến dịch nhất trí. Ông cảm thấy thở phào nhẹ nhõm vì trong ngày hôm nay Ông đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đờì chỉ huy của mình.
 Sau đó Ông viết thư hỏa tốc gửi về  báo cáo Bộ Chính trị và báo cáo lên Bác: “Quyết tâm thay đổi phương châm từ đánh giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc dù phải khắc phục nhiều khó khăn”. Bộ Chính trị và Bác Hồ nhất trí và cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn. Khi nhận được quyết định này trên mặt trận Điện Biên Phủ tuy mỗi người có những băn khoăn suy nghĩ khác nhau nhưng toàn thể cán bộ chiến sỹ đều triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân, biểu thị một niềm tin, một tinh thần kỷ luật cao.
Sau một tháng rưởi chuẩn bị rộn ràng nhưng âm thầm theo phương án mới một cách tích cực, khẩn trương, thâu đêm, suốt sáng dưới bom đạn địch. Mồ hôi xương máu quân ta đổ ra để đổi lấy tính mạng, đổi lấy từng tấc đất. Kết quả quân ta đã xây dựng trận địa bao vây và tiếp cận chung quanh tập đoàn cứ điểm, với hàng trăm ki lô mét chiến hào đảm bảo cho bộ đội có thể chiến đấu cả ngày cả đêm dưới bom đạn của kẻ địch. Chúng ta đã đưa những khẩu pháo vào ẩn náu an toàn trong những căn hầm nằm phân tán giữa lòng núi và làm đường cho xe vận tải chở đạn đến từng hầm pháo…
Ngày 13/3/1954, chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ bắt đầu và chỉ sau 55 ngày đêm “ khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” các chiến sỹ ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi quyết định vang dội. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cátxtơri. Hơn một vạn quân địch kéo cờ trắng đầu hàng. Hồi đó nhiều nước trên thế giới khi nhắc đến Việt
Nam đã hô vang : “Việt Nam – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ”.  Chỉ sau 10 năm thành lập quân đội, quân ta đã đánh thắng Đế quốc Pháp giành lại hòa bình.
Quyết tâm tiêu diệt Điện Biên Phủ là một quyết tâm lớn, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Ở đây lòng dũng cảm và trí thông minh của con người Việt Nam được kết hợp với nhau trong cuộc đấu trí đấu lực với kẻ địch và cuối cùng chiến thắng thuộc về ta. Điểm mấu chốt của Điện Biên Phủ là Võ Nguyên Giáp đã rất nhạy bén với tình hinh, khi tình hình đã thay đổi, thì kịp thời thay đổi phương án tác chiến, thay đổi thời gian cho phù hợp. Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh, chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Đai tướng đã có một quyết định khó khăn nhất nhưng lại sáng suốt nhất , kịp thời hành động đúng quy luật, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch trong 55 ngày đêm, thay vì tiến công địch trong 3 đêm 2 ngày theo phương án cũ. Vì thế ngày 26/2/1954, trở thành ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời cầm quân của ông và cũng là ngày đáng ghi nhớ với lịch sử. Bởi ngày này  Đại tướng đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, điều này có ý nghĩa to lớn về mặt nghệ thuật quân sự. Biết bao trăn trở suy nghĩ của Ông đã đi đến một quyết định khó khăn nhất “chuyển từ phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh, sang phương châm đánh chắc, thắng chắc”. Chính vì vậy cho đến sau này nhiều cán bộ chiến sỹ Điện Biên Phủ còn sống không ai là không nhớ ngày này.  
Hồi đó có người còn đưa ra một hình ảnh so sánh thú vị: Đánh Điện Biên Phủ cũng như ăn một quả cam. Có thể dùng dao bổ ngay quả cam ra rồi cắt thành miếng. Cũng có thể thong thả gọt hết vỏ cam rồi ăn từng miếng một cho đến hết. Trong tình hình cụ thể của Điện Biên Phủ lúc ấy, chọn cách thứ 2 là một quyết định đúng đắn và chính xác. Có người  còn cho rằng nếu không thay đổi phương châm, thì sẽ không có chiến thắng, và “ ngày về” sẽ chưa tới vào năm 1954, và sự nghiệp giành độc lập,tự do và thống nhất Tổ quốc cũng khó hoàn thành trong mùa xuân 1975. 
Quyết định của Ông mang tầm trí tuệ và đầy tính nhân văn bởi Ông luôn tính đến từng dọt máu của người lính và không bao giờ chấp nhận một chiến thắng mà đổ quá nhiều xương máu của chiến sỹ, chiến thắng không đánh bằng mọi giá mà phải là chiến thắng với tổn thất ít nhất. Tính nhân văn của Ông còn thể hiện ở tấm lòng nhân ái bao la đối với cấp dưới, đối với chiến sỹ. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng nói: “Đại tướng là một người chưa bao giờ nặng lời với cấp dưới”. “Đại tướng quan tâm đến cả từng bửa ăn của bộ đội. Trong đời thường Đại tướng rất giản dị, kể cả người dân đến xin gặp Đại tướng cũng cho gặp”. Đối với chiến sỹ, Ông luôn coi họ là anh em đồng đội, bởi những người lính đó cũng như ông đều là bộ đội cụ Hồ, chân đi dép cao su, đầu đội mũ vải, được dân tin, dân yêu. Mỗi lần trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, nước mắt Ông lại chảy trong các cuộc viếng thăm đồng đội của mình. Đối với tất cả mọi người, Ông luôn “ sống có thủy có chung” như lời Ông nói. Đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người đã nói: “Tấm lòng của Ông đối với Bác Hồ trong sáng như pha lê,cao đẹp như vòng nhật nguyệt, ấm áp như tình cha con. Trước cộng đồng nhân loại tên tuổi của Ông đã gắn chặt với tên tuổi của Bác Hồ vĩ đại. Chiến công của Ông gắn liền với kỳ tích vinh quang. Số phận của Ông gắn liền với đất nước và đồng bào thân yêu của mình”.
Một đời cầm quân, một đời làm Đại tướng, Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một người anh cả của Quân đội - một người anh vô cùng giản dị mà thân thương. Vốn xuất thân là một thầy giáo dạy lịch sử nên đã làm nên cốt cách của một vị tướng đậm chất nhân văn để cùng dân tộc làm nên lịch sử. Chính điều đó đã khiến Đại tướng trở thành một con người huyền thoại.
 Hồ Duy Thiện

     
                                           

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây