Trước tác động của đại dịch Covid-19, HTX Mây tre đan Vân Sơn cũng gặp phải những khó khăn chung trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, với phương châm vì lợi ích của người lao động và cũng chính là lợi ích của HTX, thời gian qua, HTX Mây tre đan Vân Sơn đã không ngừng nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn để duy trì và ổn định sản xuất.
Tại xưởng xản xuất mây sợi của HTX, những ngày này không khí lao động vẫn diễn ra một cách khẩn trương, tích cực nhằm cung cấp đủ nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, hàng chục lao động là phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vẫn được đảm bảo việc làm, có thu nhập ổn định. Chị Mai Thị Nhung, thôn Kim Trung, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Tôi làm việc ở đây đã nhiều năm, môi trường làm việc rất tốt, công việc chính của tôi là chẻ sợi, thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5,1 triệu đồng trên tháng. Công việc ổn định nên yên tâm gắn bó lâu dài”.
Hiện nay HTX Mây tre đan Vân Sơn đang giải quyết việc làm cho 32 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5,1 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả, HTX đã chủ động giảm số lượng lao động thường xuyên trong xưởng, bố trí người làm việc theo ca và giữ khoảng cách an toàn, đồng thời cung cấp đầy đủ khẩu trang, dung dịch rửa tay, xịt khuẩn để người lao động sử dụng trong quá trình làm việc.
Do các đơn hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay đang tạm dừng nên HTX Mây tre đan Vân Sơn tập trung sơ chế nguyên liệu tinh từ nguồn mây thu mua được trên địa bàn để xuất bán cho các làng nghề, doanh nghiệp trong nước. Với nguồn nguyên liệu thô dồi dào, đầu ra ổn định, hàng tháng HTX vẫn hoạt động hết công suất. Riêng trong tháng 9 năm 2021, HTX đã xuất bán được 2 xe hàng trị giá 255 triệu đồng. Nhờ được đào tạo nghề và làm việc cho HTX, đời sống của nhiều người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Kim Trung, xã Kim Hóa, huyện tuyên Hóa cho biết thêm: “Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng lo không có việc làm, thu nhập. Thế nhưng HTX đã tạo điều kiện để người lao động vẫn có làm việc ổn định, có thu nhập, chúng tôi rất phấn khởi”.
Hợp tác xã Mây tre đan Vân Sơn được thành lập năm 2013, là một trong những HTX hàng đầu của tỉnh Quảng Bình về lĩnh vực Mây tre đan hiện nay. Sản phẩm OCOP 3 sao của HTX được tiêu thụ ở khắp các địa bàn trong nước và xuất khẩu sang một số nước Châu Á.
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu các mặt hàng mỹ nghệ gặp khó khăn, nhiều đơn hàng phải dừng lại. Để tiếp tục giữ vững sản xuất và ổn định việc làm cho lao động, HTX Mây tre đan Vân Sơn đã tập trung mở rộng thị trường trong nước, tích cực tìm kiếm đối tác mới, hoàn thiện các đơn hàng đã ký từ trước, cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… bên cạnh đó, HTX cũng tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khôi phục, phát triển, tình hình sản xuất và tiêu thụ của HTX luôn ổn định, thậm chí có thời điểm còn “cháy hàng”. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán gần 200 tấn nguyên liệu thô, 12 tấn nguyên liệu tinh đã qua sơ chế, 120 cuộn sản phẩm mây mắt cáo. Doanh thu 9 tháng đầu năm đạt gần 3 tỷ đồng. Ông Lê Viết Sơn, Giám độc HTX Mây tre đam Vân Sơn, xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các bạn hàng cũng gặp khó khăn, nhiều bạn hàng ngừng sản xuất, không còn nhập hàng của HTX, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế. Trước tình hình đó, Ban giám đốc HTX đã tích cực liên hệ với các bạn hàng và tìm kiếm các đối tác mới để tiêu thụ hàng hóa nhằm mục tiêu ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động”.
Dù ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng HTX mây tre đan Vân Sơn vẫn nỗ lực vươn lên ổn định sản xuất, kinh doanh. Kết quả này không chỉ tác động tích cực đến việc làm, đời sống của người lao động, doanh thu của HTX mà còn góp phần quan trọng cùng chính quyền địa phương thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Văn Tư – Tuấn Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn