Mặc dù mới bắt đầu mùa mưa nhưng một vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng vừa xảy ra tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa vào ngày 14/9, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân với 32 nhân khẩu. Vị trí sạt lở tại thôn Chợ Cuồi, có chiều dài 55m, chiều rộng 7m, chạy dọc theo tuyến đường nội thôn, lấn sâu vào khu dân cư, nhấn chìm nhiều cây cối và vật dụng. Theo một số người dân cho biết, ngày 14/9 trên thượng nguồn có mưa to nên nước sông Gianh dâng cao và chảy xiết, đang đêm thì nghe tiếng rào rào nên gọi nhau ra xem thì thấy cả đoạn bờ sông đã bị sạt lở, cây cối gãy đổ ngồn ngang, bị nhấn chìm xuống lòng sông. Điểm sạt lở sâu nhất chỉ còn cách nhà dân chừng 3 mét.
Ông Nguyên Văn Nông, thôn Chợ Cuồi, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Sạt lở đã vào quá gần nhà, chúng tôi rất lo lắng, không còn an tâm để sinh sống được nữa, mong các cấp chính quyền quan tâm, có biện pháp giúp đỡ người dân”.
Tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra trong thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người dân. Tại xã Mai Hóa, nhiều kilomet bờ sông thuộc các thôn Tây Hóa, Bắc Hóa, Xuân Hóa, Liên Hóa, Tân Hóa, Lạc Hóa… cũng bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất và đất ở. Theo thống kê, trong vài năm trở lại đây toàn xã Mai Hóa đã mất hơn 20.000m2 đất sản xuất do sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ gia đình. Trong đó, có 24 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là dân vạn đò lênh đênh trên sông nước, ông Nguyễn Văn Khuê và bà Mai Thị Hóa mới được xã Mai Hóa cấp 500m2 đất tại thôn Lạc Hóa để làm nhà ở. Căn nhà cấp 4 được xây dựng gần bờ sông Trổ từ năm 2011, đến năm 2016 thì con sông bắt đầu thay đổi dòng chảy, cứ mỗi mùa lũ về lại sạt lở thêm một đoạn, lấn sâu vào gần nhà. Sau đợt lũ năm 2020 thì bờ sông chỉ còn cách nền nhà bà Hóa khoảng 15m, phần móng nền và tường nhà bị nứt, đe dọa trực tiết đến tính mạng của các thành viên trong gia đình.
Bà Mai Thị Hóa, thôn Lạc Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ thêm: “Trước đây tôi làm nhà cách bờ sông 300m, nay đã sạt lở vào tận sau lưng nhà rồi, chỉ cần một trận lũ nữa là căn nhà có thể bị cuốn trôi. Mỗi khi có mưa lũ là cả nhà phải di chuyển đi chỗ khác. Giờ chỉ mong được chính quyền cấp đất để di dời đến nơi ở mới an toàn hơn”.
Không chỉ một mình gia đình bà Mai Thị Hóa mà điểm sạt lở tại thôn Lạc Hóa, xã Mai Hóa còn ảnh hưởng đến 9 hộ gia đình khác. Gần 1 ha đất trồng ngô, trồng lạc của người dân giờ đã biến thành lòng sông. Nguy hiểm hơn là bờ sông ngày càng tiến sát gần nhà, trước mùa mưa lũ năm nay, người dân vẫn canh cánh nỗi lo không an toàn.
Ông Hà Duy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, xã Mai Hóa đã chủ trương quy hoạch các lô đất xen kẻ trong khu dân cư để bố trí đất ở cho các hộ cần phải di dời khẩn cấp. Bên cạnh đó, địa phương cũng đề nghị cấp trên xem xét cho xây kè chống xói lở bờ sông để bà con yên tâm sinh sống, sản xuất”.
Ngược lên phía thượng nguồn sông Gianh, tình trạng sạt lở bờ sông cũng xảy ra khá phổ biến ở các xã Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa và Thuận Hóa… Hàng chục ha đất sản xuất của người dân đã bị mất dần hàng năm. Nhiều công trình phụ, nhà cửa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ghi nhận tại xã Đức Hóa cho thấy, sạt lở ở xóm Kinh Trừng, thôn Đức Phú 1 làm hư hoảng 2 ngôi nhà, 8 hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp. Hiện tại một số gia đình đã chủ động chuyển đi nơi khác, các hộ còn lại vẫn tiếp tục bám trụ vì không có điều kiện để di dời. Dự án làm kè chống xói lở tại thôn Đức Phú 1 đã được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và bố kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Đức Hóa, 6/11 thôn dọc bờ sông Gianh đều bị sạt lở. Trong đó, có 30 hộ ở các thôn Đức Phú 1, Phúc Tùng cần phải di dời khẩn cấp vì sạt lở bờ sông đã vào sát nhà dân.
Ở xã Thuận Hóa, nhiều hộ gia đình sống dọc bờ sông Gianh cũng ngày đêm thấp thỏm lo sợ vì tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra. Đặc biệt, tại thôn Xuân Canh có 19 hộ thuộc diện cần phải di dời. Thế nhưng quỹ đất trong thôn hiện không còn để bố trí đất ở, người dân cũng không thể đi nơi khác vì còn phải gắn liền với ruộng vườn, không thể chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Nguyễn Quang Trung, thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Mỗi lần có mưa lũ là bà con ở đây phải thức đêm, theo giỏi tình hình sạt lở để di dời. Về lâu dài chúng tôi mong muốn nhà nước cho xây lè chống xói lở hoặc di dời đến chỗ nào phù hợp, có đất đai để sản xuất, ổn định đời sống”.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 392 hộ, 1.428 khẩu ở 16 xã, thị trấn có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở. Trong đó 66 hộ, 251 khẩu có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời. Trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác; rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ sạt lở, số hộ dân bị ảnh hưởng để có phương án di dời khẩn cấp khi mưa lũ lớn xảy ra; tiến hành quy hoạch các lô đất ở xen kẽ trong khu dân cư, tạo quỹ đất để bố trí dần những trường hợp có nguy cơ sạt lở cao. Huyện Tuyên Hóa cũng đã bố trí ngân sách khắc phục sạt lở, gia cố một số công trình chống lũ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế nên việc khắc phục cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Về lâu dài cần sự hỗ trợ kinh phí của trung ương, của tỉnh để xây dựng các khu tái định cư, xây kè chống xói lở bờ sông tại một số điểm xung yếu nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Văn Tư – Thanh Đạm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn