Chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid – 19 tỉnh. Tại điểm cầu huyện Tuyên Hóa có đồng chí Nguyễn Hoài Nam, TUV, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lê Nam Giang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí thành viên Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid - 19 huyện.
Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy, tính đến 6 giờ ngày 16/9, tổng số ca mắc Covid -19 toàn tỉnh là 1.377 ca; trong đó có 435 ca đã điều trị khỏi. Đối với huyện Tuyên Hóa, đã ghi nhận 2 ca F0 trong cộng đồng tại xã Mai Hóa và xã Thanh Hóa. Tính đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Tuyên Hóa nói riêng cơ bản đã được kiểm soát.
Ngày 15/9, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc chuyển trạng thái mới các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ban hành các quy định cụ thể việc lưu thông, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phòng chống thiên tai của các cơ sở trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo các địa phương, trung tâm chỉ huy các cấp, các sở, ngành tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả, chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Trong đó, cần tập trung ưu tiên toàn lực cho hoạt động phòng, chống dịch; nỗ lực cao nhất để đến hết tháng 9/2021 phải kiểm soát được dịch trên địa bàn. Yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai thực hiện kịp thời khi kiểm soát được dịch bệnh với phương châm “an toàn là trên hết”. Tập trung ưu tiên cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới. Tiếp tục khẩn trương điều tra, truy vết, xét nghiệm thần tốc để phát hiện các trường hợp F1, F2; giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để. Khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, hiệu quả. Triển khai hoạt động dạy và học phải phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương.
* Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động trực tuyến toàn tỉnh chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Phát động tại chương trình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Sóng và máy tính cho em” là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa nhằm hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn có phương tiện tham gia học tập trực tuyến trong điều kiện dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự quan tâm chân thành và sẻ chia sâu sắc với những khó khăn của ngành Giáo dục- Đào tạo, các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kêu gọi các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tích cực hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ để các em học sinh toàn tỉnh có đủ “sóng và máy tính” nhằm tham gia học tập trên không gian mạng, bảo đảm công bằng trong giáo dục.
Tại buổi lễ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hưởng ứng, ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” với 1.450 máy tính, trị giá trên 3 tỷ đồng.
Tuấn Anh – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn