Những ngày này, gia đình bà Trần Thị Lan ở thôn Đại Sơn, Xã Đồng Hóa đang tập trung nhân lực để thu hoạch sắn. Năm nay, gia đình bà Lan trồng 02 ha sắn, chủ yêu là giống sắn cao sản KM94. Sau 8 tháng chăm sóc, cây cho thu hoạch. Nhờ đầu tư công chăm sóc, chất đất phù hợp và thời tiết thuận lợi nên cây sắn phát triển tốt, năng suất cao. Với giá bán 1500 đồng/kg, mỗi sào cho thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng.
Bà Trần Thị Lan – thôn Đại Sơn – xã Đồng Hóa chia sẻ: năm ni sắn được mùa nên chúng tôi rất phấn khởi, sắn được giá lại được họ đến mua tận nơi. Gia đình cũng đang khẩn trương thu hoạch vì sợ mưa lũ đến
Năm 2021, xã Sơn Hóa có trên 135 ha diện tích đất trồng sắn, trong đó tập trung nhiều ở các thôn: Tân Sơn, Xuân Phú, Tam Đăng. Những năm trước người dân chủ yếu trồng giống sắn bản địa chất lượng không cao, năng suất thấp. Tuy nhiên từ năm 2015, bà con đã chọn giống sắn cao sản KM94, có chất lượng tốt hơn, dùng để lấy tinh bột đem vào sản xuất. Sắn tươi sau khi thu hoạch xong được thương lái đến thu mua tận nơi và chuyển về bán cho các nhà máy chế biến bột sắn. Theo phản ánh của người dân, năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây sắn phát triển tốt, cho năng suất, giá thành cao hơn so với các năm trước. Dự kiến năng suất sắn toàn xã ước đạt khoảng 4000 tấn, giá trị ước đạt khỏang 6 tỷ đồng,
Bà Trần Thị Sâm – thôn Tân Sơn – xã Sơn Hóa chia sẻ thêm: nhà tôi trồng 01 ha sắn, năm ni sắn được mùa rất phấn khởi, giá thành lại cao .sang năm tôi sẽ chuyển những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng sắn để tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Quyết Tiến - chủ tịch hội nông dân xã Sơn Hóa cho biết: những năm qua,hội nông dân xã đã khuyến khích bà con chọn những giống sắn có chất lượng cao để đưa vào trồng, do đó, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Năm nay sắn được mùa, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 gây khó khăn trong việc tiêu thụ , do đó, hội nông dân xã đã liên hệ, kết nối với các đại lý thu mua, tiến hành tiêu thụ sắn cho bà con để bà con yên tâm sản xuất.
Huyện Tuyên Hóa có trên 400 ha đất trồng sắn, tập trung nhiều ở các xã Sơn Hóa, Lê Hóa, xã Thạch Hóa và xã Đồng Hóa… Sắn là loại cây dễ trồng, không cần nhiều công chăm sóc, lá sắn dùng làm thức ăn cho tằm nên được nhiều gia đình lựa chọn. Ngoài vai trò làm cây lương thực thì nhiều năm trở lại đây nhiều địa phương đã phát triển cây sắn làm cây nguyên liệu thương phẩm. Hiện nay, người dân tập trung trồng 2 giống sắn chủ yếu là sắn đỏ Hà Nội để làm cây lương thực và giống sắn cao sản KM94 làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Nhiều hộ dân được các nhà máy chế biến tinh bột ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị và các thương lái cam kết bao tiêu sản phẩm. Thời điểm này bà con đã bước mùa thu hoạch sắn. Năm nay, sắn vừa được mùa lại vừa được giá. Sản lượng sắn toàn huyện ước đạt 4600 tấn, năng suất ước đạt 100 tạ /ha. Giống sắn đỏ Hà Nội hiện được bà con bán với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg, còn sắn cao sản có giá1500 đồng – 1600 đồng/ kg. Nhiều hộ có thu nhập từ 60 triệu đến 70 triệu đồng/ vụ sắn. Nhận thấy hiệu quả thực tế từ cây sắn mang lại, do đó nhiều gia đình đã chuyển đất sản xuất lâm nghiệp sang trồng sắn.
Ông Đinh Xuân Thương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết thêm: Thời gian chúng tôi tiếp tục tham mưu cho huyện hướng dẫn các địa phương mở rộng diện tích trồng sắn đặc biệt là diện tích trồng keo, cây cao su trước đây không hiệu quả để chuyển sang trồng sắn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Sắn được mùa, lại được giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biễn phức tạp là tín hiệu vui cho bà con nông dân huyện Tuyên Hóa. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế quan trọng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện cho việc đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất trong những vụ mùa tiếp theo.
Thương Huyền – Thúy Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn