Covid 19 khiến hàng tấn mật ong của nông dân Tuyên Hóa khó tiêu thụ

Thứ hai - 04/10/2021 05:56
Mặc dù mùa thu hoạch mật ong đã kết thúc nhiều tháng nay nhưng hiện các hộ nuôi ong lấy mật ở huyện Tuyên Hóa vẫn còn tồn hàng tấn mật ong, chưa tiêu thụ được.
Covid 19 khiến hàng tấn mật ong của nông dân Tuyên Hóa khó tiêu thụ

Anh  Võ Văn Mạnh, thôn Tân Đức, xã Hương Hoá nuôi 100 đàn ong. Từ tháng 3, anh bắt đầu quay lấy mật và đến tháng 5 kết thúc. Sản lượng mật thu được khoảng 2 tấn. Những năm trước, mật ong của gia đình anh sau khi thu hoạch sẽ được bán đi nhiều thị trường, chỉ còn lại vài lít trong nhà để sử dụng và làm quà cho người thân. Thế mà, năm nay đã gần cuối năm nhưng gia đình anh vẫn còn gần 1 tấn mật chưa tiêu thụ được.
Anh  Võ Văn Mạnh, thôn Tân Đức, xã Hương Hoá chia sẻ: So với năm ngoái, giá cả năm nay thất thua, năm ngoái 1 chai 750ml giá 120 ngàn đồng, năm nay xuống giá 100 ngàn đồng mà vẫn không bán được. Vì lý do đầu ra không có phương tiện để vận chuyển, cũng không có người mua. Riêng cá nhân tôi năm nay chỉ mới bán được 50% và bà con ở đây cũng đều rứa cả.
Không chỉ ở Hương Hóa mà ở xã Đồng Hóa cũng có rất nhiều hộ nuôi ong còn tồn đọng mật không tiêu thụ được. Toàn xã có 113 hộ nuôi ong với 588 đàn, sản lượng mật năm nay ước đạt gần 4,7 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số hộ nuôi ong quy mô  lớn của xã vẫn tồn 3- 4 tạ mật. Đặc điểm mật ong để lâu sẽ bị chuyển màu và giảm chất lượng nên phải cố gắng bán hết trong năm, sang năm sau là mùa quay mật mới. Do đó, bà con đang chật vật tìm đủ cách để tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Thế Anh – thôn Đại Sơn – xã Đồng Hóa chia sẻ thêm: Năm nay do dịch covid 19 làm ảnh hưởng đến việc bán mật của bà con. Như bản thân tôi đây tiêu thụ mật rất khó khăn. Mọi năm tôi thường chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh  và các tỉnh khác để tiêu thụ, nhờ anh em bạn bè tiêu thụ dùm. Năm nay lượng mật tồn dư trong nhà rất nhiều. Bản thân tôi đến thời điểm này đang còn khoảng 4 tạ mật bán không được. Như chúng tôi sống nhờ vào nghề nuôi ong để phát triển kinh tế, nhưng lượng mật tồn dư và bán không được đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình.
Toàn huyện Tuyên Hóa hiện có khoảng 7.600 đàn ong. Năm nay, thời tiết thuận lợi, các loại cây rừng xanh tốt, cho hoa nhiều, nguồn thức ăn của ong phong phú, dồi dào nên cho chất lượng mật tốt và năng suất cao, ước đạt hơn 45 tấn mật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, người dân không xuất bán được, tồn nhiều ở các xã có sản lượng mật ong lớn như: Hương Hóa, Thanh Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa,… Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nhiều hộ nuôi ong lấy mật. Đây cũng là một trong những vấn đề được chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm.
Anh Trần Ngọc Long – Phó chủ tịch UBND xã Hương Hóa cho biết: Thời gian vừa qua do tình hình dịch bệnh covid 19 cho nên sản lượng mật ong trong dân không xuất bán được. Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 7 tấn mật chưa xuất bán được. Đây là một khó khăn mà chính quyền địa phương rất quan tâm. Vừa rồi chúng tôi cũng đặt vấn đề ở một số cửa hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh và qua giới thiệu của bà con làm ăn các nơi. Tuy nhiên do dịch bệnh covid 19 nên việc xuất bán vận chuyển các nơi rất khó khăn. Ủy ban xã cũng có những định hướng cho các hộ gia đình, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, lập các trang facebook, zalo để giới thiệu sản phẩm, tìm khách hàng nhằm giải quyết số lượng mật còn tồn đọng ở địa phương. Sang năm tới chúng tôi cũng đề nghị các cấp tạo điều kiện cho UBND xã Hương Hóa thành lập và giới thiệu sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm ocop tạo thương hiệu làm cho sản phẩm mật ong Hương Hóa  có chất lượng đạt và vượt hơn trước.
Dịch Covid-19 là khó khăn chung của cả nước song người dân vẫn mong mỏi giải pháp hỗ trợ, từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhằm tháo dỡ khó khăn cho người nuôi ong huyện Tuyên Hóa tìm được đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm, từng bước ổn định thu nhập cho bà con.

 


Thùy Nhung – Thanh Đạm 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây