1. Bước vào vụ sản xuất Đông Xuân 2020 - 2021, tỉnh ta nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, hậu quả của đợt lũ lịch sử tháng 10/2020, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Huyện ủy, UBND huyện và các đơn vị, địa phương, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Cây trồng vụ Đông Xuân sinh trưởng tốt, diện tích gieo trồng nhiều loại đạt và vượt kế hoạch; công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ bò lai cao nhất tỉnh (đạt 73% tổng đàn); rừng trồng có chất lượng tốt, công tác bảo vệ rừng được tổ chức thực hiện hiệu quả, từ đầu năm đã tổ chức trồng được hơn 46.000 cây các loại, tỷ lệ che phủ rừng đạt 75%; sản phẩm OCOP phong phú, bước đầu xây dựng được thương hiệu trên địa bàn; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến nay có 08 xã đạt chuẩn, vượt kế hoạch đề ra.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:
2.1. Về trồng trọt: Tập trung kiểm soát tốt sâu bệnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi, đạt hiệu quả cao nhất.
2.2. Về chăn nuôi:
- Tập trung kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêm phòng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính khẩn trương tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí mua vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
- Chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng đàn gia súc, đặc biệt là đàn bò. Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ huyện Tuyên Hóa phát triển đàn bò 3B, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật cho cán bộ thú y và người dân trên địa bàn huyện.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án kiện toàn, khôi phục hệ thống thú y cấp xã, đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
2.3. Về lâm nghiệp:
- Đối với rừng phòng hộ: UBND huyện Tuyên Hóa khẩn trương rà soát các diện tích rừng phòng hộ có thể trồng mới trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp để bố trí kinh phí hỗ trợ.
- Đối với rừng sản xuất: Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn, chú trọng chất lượng giống, mật độ trồng, thời gian khai thác …từng bước nâng cao chất lượng rừng trồng, hướng tới trồng rừng theo tiêu chuẩn Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (Chứng chỉ FSC).
- Thực hiện tốt công tác kiểm kê lại rừng theo Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh, làm cơ sở để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh.
2.4. Về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới:
- UBND huyện Tuyên Hóa tập trung rà soát, xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện Chương trình trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt Chương trình trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
- Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường; chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị theo hướng liên huyện, liên xã. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, nghiên cứu các sản phẩm OCOP trên địa bàn để tham mưu xây dựng sản phẩm OCOP toàn tỉnh, đảm bảo tính liên kết trong phát triển các sản phẩm OCOP, phát huy hiệu quả các nguồn lực và thế mạnh trên địa bàn, tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
3. Về các kiến nghị, đề xuất của huyện:
- Về hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi tập trung, Đề án nâng cao giá trị rừng trồng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Tuyên Hóa căn cứ tình hình thực tế, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ.
- Về hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng vào khu chăn nuôi tập trung: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí theo các chính sách, quy định hiện hành.
- Về hỗ trợ lợn nái ngoại, lợn đực giống, gà bố mẹ; hỗ trợ bình chưa ni tơ lỏng: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hỗ trợ huyện Tuyên Hóa phù hợp với điều kiện thực tế.
- Về bố trí thêm biên chế lực lượng bảo vệ rừng cho BQL rừng phòng hộ: Giao Sở Nội vụ rà soát, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
- Về xử lý đất, cát bồi lắng sau lũ lụt: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND huyện Tuyên Hóa phương án xử lý đất, cát bồi lắng trên các diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
- Về bổ sung biên chế hoặc biệt phái cán bộ, công chức làm việc chuyên trách tại Văn phòng Điều phối NTM huyện: UBND huyện Tuyên Hóa chủ động điều chuyển, bố trí cán bộ, công chức, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Về thực hiện các dự án di dân khẩn cấp do sạt lở đất, ngập lụt: Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ UBND tỉnh đã phân bổ, UBND huyện Tuyên Hóa khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân, báo cáo UBND tỉnh trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
- Về công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn: Giao Chi cục Kiểm lâm có phương án hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa các huyện, thị xã, thành phố.
Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, địa phương liên quan biết, triển khai thực hiện.
Đặng Hà
Nguồn: Thông báo Kết luận số 796/TB-VPUBND ngày 17/3/2021
Nguồn tin: www.quangbinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn