Huyện Tuyên Hóa: Phát triển nông nghiệp theo hướng chiều sâu

Thứ sáu - 09/04/2021 21:14
Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 là vụ sản xuất khởi đầu cho việc “hiện thực hóa” các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chiều sâu của huyện Tuyên Hóa giai đoạn 2021 - 2025. Ngày từ đầu năm 2021, các địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Huyện Tuyên Hóa: Phát triển nông nghiệp theo hướng chiều sâu
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ Đông - Xuân 2020 - 2021 là vụ mùa đầu tiên các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của huyện cho mục tiêu phát triển nông nghiệp theo chiều sâu. Vì vậy, vụ mùa 2021, huyện đã đặt ra mục tiêu gieo trồng 1.450 ha lúa, 1.000 ha ngô, 850 ha lạc, 350 ha sắn.

Để kịp thời triển khai sản xuất Đông Xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch triển khai đồng bộ gieo cấy đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống, tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn.

Đối với diện tích sản xuất lúa, huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân duy trì ổn định các diện tích sản xuất có hiệu quả, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tỷ lệ sử dụng các giống lúa úng dụng tiến bộ tiến khoa học kỹ thuật và thực hiện mô hình trình diễn để nhân rộng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai mô hình sản xuất giống lúa ST24 chất lượng cao tại 02 xã Mai Hóa và Châu Hóa với diện tích 10 ha thay thế cho các giống lúa truyền thống.
Đây cũng là vụ mùa đầu tiên Phòng đứng ra liên kết với Hợp tác xã Lê Lợi (ở tỉnh Hải Dương) sản xuất, bao tiêu sản phẩm ớt chỉ thiên tại 06 xã, gồm: Châu Hóa, Tiến Hóa, Đức Hóa, Đồng Hóa, Thanh Thạch và Thuận Hóa trên cơ sở chuyển đổi 25 ha đất trồng ngô kém hiệu quả.

Ðể thực hiện các khâu đột phá, huyện Tuyên Hóa đề ra những giải pháp trọng tâm như đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp; khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực; thực hiện đồng bộ việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị trung tâm huyện với xây dựng nông thôn mới.

Đặng Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây