Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Phạm Xuân Thương, thôn Hà Nam, xã Thạch Hóa. Một tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Được biết, sau khi xuất ngũ năm 1975, ông Thương trở về quê hương lấy vợ và sinh được 11 người con. Nhà nghèo, con đông, cuộc sống vô cùng vất vả. Thế nhưng với bản chất bộ đội cụ Hồ kiên cường, không ngại khó, ngại khổ, ông đã bắt tay ngay vào làm kinh tế. Từ hơn 1 ha đất khai hoang được dùng để trồng sắn, khoai, thì nay gia đình ông đã đầu tư chuyển đổi sang trồng cây ăn quả với gần 400 gốc cam, bưởi, ổi... các loại. Bên cạnh đó, ông kết hợp nuôi thêm lợn, gà,vịt ... Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông Phạm Xuân Thương – Thôn Hà Nam – xã Thạch Hóa chia sẻ: Được sự giúp đỡ của chi hội Cựu Chiến Binh xã và huyện, gia đinh tôi mấy năm nay đã chuyển đổi đất hoa màu kém hiệu quả qua rồng cây ăn quả. Cảm thấy trồng cây ăn quả dễ trồng hơn, năng suất cao hơn. Trong thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi để nâng cao đời sống gia đình.
Những năm qua, để giúp hội viên cựu chiến binh nghèo phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Tuyên Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Xây dựng nhiều mô hình CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Một trong những mô hình mới, đang phát huy hiệu quả là mô hình luân chuyển bò giống sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Được biết, Năm 2018, Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội CCB huyện Tuyên Hóa đã trao tặng 5 con bò giống sinh sản cho các hội viên cựu chiến binh nghèo tại các xã: Sơn Hóa, Thanh Hóa, Đức Hóa, Tiến Hóa ... mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng. Sau khi bò mẹ sinh bê con lứa đầu tiên được 8 – 10 tháng tuổi thì bắt đầu chuyển bò mẹ cho hộ nghèo khác để tạo giống. Đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực đối với các hộ CCB nghèo trên đia bàn huyện. Không chỉ tạo kế sinh nhai mà còn tạo động lực cho các hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Ông Đinh Xuân Thủy – Thôn Tam Đa – xã Sơn Hóa chia sẻ: Tôi là một hội viên Cựu Chiến Binh thôn Tam Da được huyện hội cũng như hội xã đã xét cho tôi một con bò giống sinh sản, gia đình tôi cũng đã chăm sóc đến nay bò đã sinh được một bê con 10 tháng. Đó là động lực để tạo điều kiện cho gia đình chúng tôi phát triển kinh tế.
Hội Cựu chiến binh huyện Tuyên Hoá hiện có 27 tổ chức hội cơ sở, 128 Chi hội với gần 5 nghìn cán bộ, hội viên. Những năm qua, để tạo điều kiện cho các hội viên có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, Hội đã đứng ra quản lý 57 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 100 tỷ đồng. Vận động quyên góp quỹ hội được gần 4 tỷ đồng cho các hội viên vay với lãi suất thấp hoặc không lãi để phát triển sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 13 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác, 2 trang trại, 87 gia trại và 151 hộ kinh doanh dịch vụ, do CCB làm chủ, đã giải quyết việc làm cho trên 1100 lao động. Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh,dịch vụ do CCB làm chủ vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển, góp phần ổn định cuốc sống, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo trong Hội CCB chiếm12,97% thì đến nay giảm xuống chỉ còn 4,6%. Tỷ lệ hộ giàu, hộ khá tăng hàng năm.
Ông Trần Văn Đương – Chủ tịch Hội CCB huyện Tuyên Hóa cho biết: Xu hướng tới, chúng tôi phát huy tốt vai trò của hội viên CCB với tính tích cực gương mẫu năng động của mình để phát triển tốt các mô hình đã làm ăn có hiệu quả và nhân rộng các mô hình đó. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, để tạo điều kện tốt nhất cho hội viện tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng để phát triển kinh tế và giảm được các hộ nghèo trong hội viên Cựu Chiến Binh. Hiện nay đã có hai xã không còn hội viên hội Cựu Chiến Binh nghèo nữa đó là Châu Hoá và Mai Hoá và trong giai đoạn tới chúng tôi phấn đấu xóa thêm được 5 xã nữa không còn hội viên Cựu Chiến Binh nghèo mà chỉ có hội viên khá và giàu trở lên.
Có thể nói, Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” có ý nghĩa thiết thực, không chỉ giúp các hội viên xóa nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương mà còn là sợi dây gắn kết tình đồng chí, đồng đội trong các thế hệ CCB… Đây cũng là động lực để cán bộ, hội viên Hội CCB nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, xứng danh truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thùy Nhung – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn