Thời điểm này, gia đình chị Đào Thị Liên ở thôn Tây Trúc, xã Tiến Hóa đang tích cực thực hiện các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Chị Liên là một trong những hộ nuôi gà có tiếng của địa phương. Mỗi lần được cán bộ thú y của địa phương thông báo về lịch tiêm chủng cho vật nuôi, gia đình chị đều đăng kí tham gia. Nhờ tiêm phòng đầy đủ và chăm sóc đúng cách nên đàn gà của chị không bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Mỗi năm chị Liên thu về từ tiền bán gà khoảng gần 70 triệu đồng.
Chị Đào Thị Liên ở thôn Tây Trúc, xã Tiến Hóa chia sẻ: Gia đình tôi nuôi gà 1 năm 3 lứa, mỗi lứa từ 100 đến 150 con. Thu nhập khoảng 50 đến 70 triệu đồng. Gà được tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại sạch sẽ nên đàn gà phát triển khỏe mạnh.
Gia đình ông Hà Đức Dũng ở thôn Đông Hòa, xã Mai Hóa chăn nuôi tập trung bò lai sinh sản. Mô hình này những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông Dũng ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên khá giả. Đầu năm 2021, ông Dũng mạnh dạn đầu tư gần 250 triệu đồng để mua giống bò 3B về nuôi thử nghiệm. Để đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, gia đình luôn lựa chọn những thức ăn đảm bảo nguồn gốc, tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có ở địa phương. Trong đó, khâu tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi luôn được ông Dũng ưu tiên hàng đầu.
Ông Hà Đức Dũng – thôn Đông Hòa – xã Mai Hóa chia sẻ: Gia đình nuôi 10 con bò trong đó có 7 con bò 3B. Muốn bò khỏe mạnh thì cần cho ăn đầy đủ. Tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng 1 lần, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột.
Bà Trần Thị Soa- Trưởng ban thú y xã Mai Hóa chia sẻ thêm: Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2021 của tỉnh, của huyện, xã Mai Hóa đã tổ chức tiêm phòng 2 đợt cho gia súc , gia cầm. Các hộ chăn nuôi đã chấp hành đầy đủ các quy định về phòng chống dịch nhằm đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
Huyện Tuyên Hóa có tổng đàn gia súc trên 49.000 con, đàn gia cầm trên 405.000 con. Chăn nuôi là một trong những ngành chủ lực đã giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi. Huyện đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt do đó đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và khống chế. Đến ngày 31-8- 2021, 2 địa phương cuối cùng của huyện Tuyên Hóa công bố hết dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đối với dịch bệnh tả lợn châu Phi, đến ngày 27-10, 6/7 xã, thị trấn có lợn bị nhiễm bệnh đã công bố hết dịch. Các xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được tính chất nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm ở gia súc, gia cầm và chủ động các biện pháp phòng, chống nhất là công tác tiêm phòng vắc xin, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan vào địa bàn.
Ông Trần Văn Cần - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết: Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên cạn năm 2021, ngay từ đầu năm, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa đã tổ chức tập huấn tiêm phòng cho các cán bộ thú y các xã, thị trấn; cung ứng 100.000 liều vaccine các loại, 2000 lít hóa chất, 5 tấn vôi, 450 bộ quần áo bảo hộ và nhiều loại vật tư, vật liệu khác. Bên cạnh chỉ đạo bằng văn bản, trung tâm còn cử cán bộ về cơ sở kết hợp với UBND xã, thị trấn để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài sự hõ trợ của các chính sách của huyện, xã, vận động bà con nông dân đầu tư thêm kinh phí để mua vac xin, vôi, hóa chất, vật tư vật liệu khác để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm vắcxin đầy đủ, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và các vùng xung yếu trong khu dân cư từ đó đã hạn chế sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế cho các hộ dân.
Hiện nay, thời tiết đã chuyển mùa, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời cung cấp đầy đủ thức ăn giàu chất dinh dưỡng, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, sát trùng và vệ sinh chuồng trại thường xuyên… để gia súc, gia cầm có sức đề kháng với dịch bệnh. Các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, từ đó giảm bớt thiệt hại về mặt kinh tế cho người chăn nuôi.
Thương Huyền – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn