Cô giáo Phạm Thị Huyền Trang, giáo viên dạy 9 môn của trường tiểu học Lê Hóa đã có kinh nghiệm 5 năm đứng trên bục giảng. Cô Trang được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp quý mến bởi sự thân thiện, nhiệt tình, năng động. Năm học 2021 – 2022, cô giáo Trang được phân công phụ trách lớp 5 - ở điểm trường lẻ thuộc thôn Tiền Phong, xã Lê Hóa – là địa bàn còn nhiều khó khăn của địa phương.
Cô giáo Phạm Thị Huyền Trang, giáo viên trường tiểu học Lê Hóa cho biết: khi tiếp cận với hình thức dạy mới này bản thân tôi còn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ lúng túng. Tuy nhiên đối với tinh thần nhiệt huyết, ham mê học hỏi của tuổi trẻ nên bản thân đã chủ động trong công tác nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, tập huấn do trường tổ chức để chủ động đề ra các phương án soạn giảng, lên lớp. Đối với dạy học trực tuyến đòi hỏi người giáo viên phải đầu tư thời gian soạn bài chỉnh chu, đầy đủ nhằm truyền đạt cho học sinh kiến thức phù hợp với môn học, đối tượng học sinh, lớp học nhằm giúp học sinh nắm được kiến thức trọng tậm, cơ bản, giúp các em nắm được bài, hiều bài sau giờ học.
Năm học 2021 – 2022, huyện Tuyên Hóa có trên 21.600 học sinh từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông, trong đó có gần 16.400 em học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 sẽ tham gia học trực tuyến. Để phục vụ việc dạy và học trực tuyến, các trường học trên địa bàn đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho giáo viên cách giảng bài online và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình dạy học. Hiện các trường chủ yếu dạy trên hệ thống phần mềm Google Meet, Zoom,..Các gia đình đã mua máy, lắp đặt hệ thống mạng viễn thông để phục vụ việc học của con em mình. Tuy nhiên đây là phương pháp dạy học mới, đòi hỏi giáo viên và học sinh cần có nhiều thời gian để làm quen. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường trong việc quản lý việc học của các em học sinh. Là một huyện miền núi, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, do đó, để có máy tính, điện thoại thông minh phục vụ việc học trực tuyến cho 100 % học sinh là rất khó khăn. Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Hội khuyến học tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với hội khuyến học huyện Tuyên Hóa trao tặng 140 điện thoại thông minh cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Em Nguyễn Thị Hồng Quyên – lớp 12A4 – Trường THPT Tuyên Hóa chia sẻ: Năm nay là năm cuối cấp lại học trực tuyến nên bản thân e lại thuộc diện hộ nghèo rất lo lắng không có điện thoại thông minh để học. Được hỗ trợ máy phục vụ việc học nên em rất vui, em sẽ cố gắng học thật tốt để có kết quả cao.
Thầy giáo Hồ Ngọc Phương - Hiệu trưởng trường THPT Tuyên Hóa cho biết:Nhìn chung các thầy cô giáo lên lớp nhiệt tình, học sinh tham gia đầy đủ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức việc học trực tuyến. Cái cơ bản nhất là trang thiết bị phục vụ việc học cho em các em, qua khảo sát có 47 em không có phương tiện học. vừa rồi hội khuyến học tỉnh đã trang cấp 20 máy điện thoại thông minh , ưu tiên cho các em học sinh lớp 12. Số còn lại 27 em trước mắt nhà trường đã chỉ đạo cho giáo viên giao phối hợp với phụ huynh hướng dẫn và giao bài tập cho các em tự học ở nhà. Thời gian tới, nhà trường sẽ huy động các nguồn lực của nhà trường kêu gọi các thầy cô giáo, các tổ chức cá nhân, quyên góp, đồng hành hỗ trợ phương tiện học cho các em.
Buổi đầu học trực tuyến còn nhiều khó khăn do học sinh chưa quen với hình thức học mới này. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy cô giáo nhìn chung các em đã dần nắm bắt với việc học qua sóng Truyền hình cũng như học bằng hình thức trực tuyến. Tỷ lệ các em tham gia học tăng dần. Nếu như ngày bắt đầu học 20/9, huyện Tuyên Hóa có gần 75% học sinh từ khối lớp 3 đến khối 12 tham gia học thì đến ngày 22/9 đã tăng lên 87 %.
Em Trần Khánh Ly – lớp 7A – Trường THCS Sơn Hóa chia sẻ: chúng em đã chuẩn bị bài kỹ lưỡng, ghi chép đầy đủ và chăm chú nghe thầy cô giáo giảng nên cũng hiểu bài. Tuy nhiên em vẫn thích đến lớp học hơn vì đến lớp em được gặp thầy cô, bàn bè, được nghe thầy cô giảng bài kỹ hơn
Chị Trần Thị Loan – thôn Tân Sơn –xã Sơn Hóa cho biết thêm: để phục vụ cho việc học của con, gia đình đã mua máy tính và lắp mạng cho cháu học,cháu cũng chăm chỉ,chịu khó học. chị thấy qua 3 ngày học trực tuyến đó thấy cũng tốt.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy và học online, học qua sóng Truyền hình vẫn sẽ là giải pháp tình thế hữu hiệu nhất hiện nay. Hi vọng với sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò, sự phối hợp giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh huyện Tuyên Hóa sẽ khắc phục được những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến, đưa việc học dần đi vào nề nếp, có hiệu quả hơn.
Thương Huyền – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn