Tuyên Hóa: Cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập từ mô hình “Vườn rau an toàn”

Thứ ba - 21/12/2021 21:35
Từ nhiều năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa đã xây dựng mô hình mỗi cán bộ, hội viên có một “Vườn rau an toàn”. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em vừa có rau sạch để sử dụng hàng ngày vừa tiết kiệm chi tiêu, tăng thu nhập.
Tuyên Hóa: Cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập từ mô hình “Vườn rau an toàn”

Là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình, năm 2016, bà Đoàn Thị Minh ở thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa đã chuyển đổi hơn 1000m2 đất trồng ngô và lạc sang trồng rau. Tùy theo tình hình thời tiết ở mỗi thời điểm, bà Minh lựa chọn các giống cây trồng phù hợp. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3 thì trồng bầu, bí, dưa chuột, cải cúc, xà lách; tháng 5, tháng 6 thì trồng đậu đũa, đậu cove, rau dền, mướp; tháng 9, tháng 10 trồng rau cải, cà chua.v.v.  Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, giàu chất dinh dưỡng cho gia đình mà vườn rau của bà Đoàn Thị Minh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế cho gia đình.
Bà Đoàn Thị Minh, thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ:“Bình quân mỗi ngày tôi mang rau đến chợ bán được từ 100 đến 200 ngàn đồng. So với trồng ngô và lạc, trồng rau cho thu nhập cao gấp ba, bốn lần”
Cũng tại thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa, chị Nguyễn Thị Hiền thường xuyên trồng rau, củ, quả và ươm các loại cây giống cung cấp cho người dân trên địa bàn xã Lê Hóa, thị trấn Đồng Lê và một số xã lân cận. Năm nay, gia đình chị Hiền ươm hàng chục vạn cây giống rau, củ, quả các loại như bầu, bí, cà chua, rau cải ngồng, cải cúc… Ngoài ra, trên diện tích gần 1000m2, chị Nguyển Thị Hiền cũng trồng các loại rau xanh để bán và sử dụng. Hàng ngày, chị Hiền đem rau và cây giống đến bán ở chợ Đồng Lê, thu nhập từ 100.000đ đến 300.000đ/ngày. Theo chị Hiền, việc trồng rau có thể thực hiện quanh năm nhưng thuận lợi nhất là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Đây là giai đoạn có khí hậu mát mẻ, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của các loại rau, củ, quả. Gia đình chị Hiền cũng như người dân trên địa bàn xã trồng rau theo hướng an toàn, sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng trộn với phân lân, sau đó ủ mục mới đem bón, ngoài ra không sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Việc trồng rau cũng mang lại cho gia đình chị Hiền nguồn thu nhập tương đối ổn định để trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Đồng Lê, xã Lê Hóa huyện, Tuyên Hóa chia sẻ thêm:“Gia đình tôi trồng rau mỗi thứ một ít, trước hết là để gia đình ăn khỏi phải mua ở ngoài, sau đó là đem bán để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra chủ yếu tôi làm cây giống các loại như cải, cà, cà chua, xà lách, bầu, bí, mướp, dưa chuột, ớt… cung cấp cho bà con. Mỗi lần đi chợ cũng bán được từ 100 đến 200 ngàn đồng”
Từ năm 2016, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường tăng cao, nguồn rau, củ, quả ở nơi khác nhập về không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng, Hội LHPN xã Lê Hóa đã xây dựng mô hình “Vườn rau an toàn” nhằm mang lại nguồn thực phẩm sạch, nâng cao dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn, đồng thời tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên trên địa bàn xã. Ban đầu, Hội LHPN xã lựa chọn 20 hộ để xây dựng mô hình điểm, sau đó nhân rộng trên toàn xã. Đến nay, trên 90% hội viên phụ nữ đều có “Vườn rau an toàn” để sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, nhiều gia đình có điều kiện về đất đai, lao động đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn cung cấp ra thị trường mang lại nguồn thu nhập khá. Hiện trên địa bàn xã Lê Hóa có 20 ha rau, củ, quả các loại do cán bộ, hội viên phụ nữ trồng. Trong đó, hơn 5 ha với khoảng 40 hộ thường xuyên trồng rau để bán trên địa bàn thị trấn Đồng Lê và một số xã lân cận.
Tham gia thực hiện mô hình, chị em được Hội LHPN xã hỗ trợ về cây giống, phân bón. Ngoài ra, còn được giới thiệu tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc rau, củ, quả an toàn. Cùng với đó, Hội LHPN xã cũng tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho chị em vay vốn giải quyết việc làm để mở rộng sản xuất.
Bà Trần Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết:“Mục đích của mô hình “Vườn rau an toàn” nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho mỗi gia đình, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo về sức khỏe. Đến nay mô hình đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn xã, hầu hết hội viên phụ nữ đều có “Vườn rau an toàn”. Bên cạnh trồng rau để sử dụng, nhiều chị em còn trồng rau với số lượng lớn để cung cấp ra thị trường, tăng thu nhập. Thời gian tới, Hội LHPN xã Lê Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em hội viên phụ nữ duy trì và tăng quy mô của mô hình, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho chị em”.
Có thể thấy, mô hình “Vườn rau an toàn” của Hội LHPN xã Lê Hóa đạt hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương. Qua mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động của người dân, giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ sức khỏe, từng bước chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

 


Văn Tư – Thanh Đạm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây