Voọc gáy trắng hay Voọc Hà Tĩnh (tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis) là loại linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc điểm chính nhận dạng là có bộ lông dày, sợi lông mềm và đen, đầu có mào lông đen, đuôi dài hơn thân. Từ chỗ chỉ có một đàn với hơn 10 cá thể được phát hiện vào năm 2012, đến nay trên địa bàn huyện Tuyên Hoá có khoảng 22 đàn với hơn 156 cá thể Vọoc gáy trắng đang sinh sống trên các dãy núi đá vôi thuộc địa bàn các xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Thuận Hóa. Loài này cũng được sách đỏ ghi nhận sống chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình, một số đàn có số lượng nhỏ cũng được ghi nhận ở tỉnh Quảng Trị, tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh. Ngoài các cá thể Voọc gáy trắng, trong khu vực này vừa phát hiện có 1 loài linh trưởng khác là 2 đàn khỉ mốc với 30 cá thể đang sinh sống.
Từ khi được phát hiện, đàn Vọoc đã được người dân địa phương và các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền các xã đã nghiêm cấm người dân khai thác gỗ rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép nhằm mở rộng môi trường sống cho Voọc; Hạn chế cấp phép, khai thác đá, khai thác sản vật và chăn thả gia súc tại những nơi đàn Vọoc sinh sống. Các lực lượng chức năng và nhóm bảo tồn tự nguyện các xã đã tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đàn Vọoc. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển đàn Vọoc gáy trắng. Về lâu dài, cũng có thể tạo vùng du lịch sinh thái ngắm Vọoc từ xa cho du khách và người dân địa phương,...
Thùy Nhung – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn