Tuyên Hóa: Người dân trồng cây tắt rừng cho thu nhập gần một trăm triệu đồng mỗi năm

Thứ năm - 21/10/2021 22:31
Những năm qua, nhờ biết tận dụng và phát triển giống cây tắt rừng bản địa, gia đình anh Trần Xuân Khanh, thôn Cồn Cam, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa đã có thu nhập gần một trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuyên Hóa: Người dân trồng cây tắt rừng cho thu nhập gần một trăm triệu đồng mỗi năm

Từ khi lớn lên, anh Khanh đã phát hiện có loại cây này phát triển ở vườn đồi, xen lẫn với các loài cây khác. Tuy tắt rừng là loài cây dễ tính, nhưng do trong một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc, đất đai bị thoái hóa, nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích. Năm 2010, từ một gốc cây tắt rừng cổ thụ còn sót lại, gia đình anh đã nhân giống bằng cách chiết cành, và tích cực chăm sóc. Đến nay, gia đình anh Khanh đã có gần 1ha trồng cây tắt rừng.
Anh Trần Xuân Khanh, thôn Cồn Cam, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: Gia đình tôi trước đây trồng sắn, sau đó chuyển sang trồng cây tắt, thấy hiệu quả cao, bình quân thu nhập mỗi năm được khoảng 100 triệu đồng, chúng tôi rất phấn khởi.
Cây tắt rừng là loài cây bản địa, quả tắt to bằng chén trà, khi chín ngả màu vàng cam, vỏ hơi sần sùi rất dễ bóc. Tắt rừng có vị ngọt thanh, thơm mát đặc trưng. Ngoài ra, vỏ tắt còn được dùng để trị bệnh ho, lá tắt thì được làm hương liệu cho một số món ăn, nhất là các món kho của người dân địa phương. Việc tiêu thụ loại quả này hiện đang rất thuận lợi, mỗi ha tắt rừng cho năng suất trung bình  4-5 tấn quả, với giá bán dao động từ 20 – 25. 000 đồng/kg, ước tính năm nay, gia đình anh Khanh thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Anh Trần Xuân Khanh, thôn Cồn Cam, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ thêm: Thời gian tới chúng tôi mở rộng trồng khoảng 2 ha cây tắt nữa để tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Phạm Tiến Dũng – Phó chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: UBND xã cảm thấy mô hình trồng tắt này có hiệu quả rất cao, hiện tại cũng tuyên truyền bà con mạnh dạn chuyển đổi các mô hình trồng cây kém hiệu quả để sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, các loại cam và các loại cây khác, đặc biệt là giống cây tắt đem lại hiệu quả cho bà con.

Tuy nhiên để mô hình trồng tắt phát triển bền vững thì rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện nhà trong việc tư vấn, hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như xây dựng các giải pháp đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Từ đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất trên địa bàn huyện.

 


Thùy Nhung – Thế Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây