Mục tiêu của dự án là khôi phục rừng tự nhiên bằng hình thức trồng cây bản địa với nguồn vốn được vận động từ cộng đồng. Người dân tham gia trồng rừng được dự án hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật và chi phí trồng, chăm sóc rừng đến năm thứ 3, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên. Ngoài trồng rừng, bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.
Sau một năm triển khai thực hiện, Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh” đã trồng được 80 ha rừng tại các xã: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa của huyện Tuyên Hóa. Có 43 hộ và 01 cộng đồng tham gia. Các loại cây được trồng là cây lâm nghiệp bản địa như: De, Lát Hoa, Gáo vàng, Lim, Vàng tâm, Sưa đỏ, Huỷnh… với tỉ lệ sống đạt 90%.
Từ kết quả đó, dự án tiếp tục đặt mục tiêu trong năm thứ hai này sẽ trồng ít nhất 100ha rừng cây bản địa tại huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa. Đồng thời, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ra các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Hòa Bình… nhằm đạt mục tiêu trồng 1000ha cây rừng bản địa vào năm 2030. Ngoài trồng rừng, dự án cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, vận động người dân tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.
Ngay sau lễ khởi động, các đại biểu và người dân địa phương đã tiến hành trồng cây bản địa trên diện tích 11 ha đất rừng của 03 hộ dân tham gia dự án ở thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Văn Tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn