Dự án Trồng và Phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh do công ty TNHH xã hội Trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Tuyên Hóa, UBND các xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa, Tiến Hóa thực hiện. Mục tiêu chính của dự án là vận động các nguồn lực xã hội để trồng và khôi phục rừng tự nhiên bằng giống cây bản địa. Người dân và các địa phương hưởng lợi được hỗ trợ cây giống, chi phí chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba. Ngoài trồng rừng, người dân cũng có thể trồng các loại cây ngắn ngày, dược liệu, các mô hình nông – lâm kết hợp dưới tán rừng để tăng thu nhập.
Kết thúc năm thứ nhất 2021 – 2022, dự án đã trồng được 80,43ha rừng bản địa như: De, lát hoa, gáo vàng, lim, vàng tâm, sưa đỏ, huỵnh… Bước sang giai đoạn thứ hai từ 2022 – 2023, VARS và CEGORN đã tích cực bám sát thực địa và thúc đẩy sự hợp tác của các bên cũng như các chủ rừng để hỗ trợ trồng thêm 100ha trên địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Đến nay tại địa bàn huyện Tuyên Hóa đã trồng mới được 60,1ha. Tất cả diện tích rừng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được người dân chăm sóc, bảo vệ chu đáo, cây phát triển tốt.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy đánh giá cao mục tiêu, ý nghĩa, kết quả của Dự án Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh cũng như sự nỗ lực, phối hợp giữa các bên trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng chí đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao tiếp tục phối hợp với Phòng NN&PTNT, UBND các xã để trồng hết diện tích đã đăng ký trong giai đoạn 2 và khảo sát, nghiên cứu những khu vực phù hợp để mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tế một số diện tích đất trồng cây lâu năm của người dân còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và yêu cầu chính quyền địa phương thống kê, tổng hợp để có kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
Văn Tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn