Bà Hồ Thị Phượng (dân tộc Chứt) ở bản Cáo, được Hội LHPN huyện hỗ trợ 2 con lợn giống. Từ nguồn con giống hỗ trợ ban đầu và được sự hướng dẫn của Hội LHPN xã Lâm Hóa, bà tích cực chăm sóc, nuôi lớn. Sau khi bán lứa lợn đó, bà Phượng chủ động chăn nuôi lại lứa mới, đồng thời mua thêm giống gà và ngan đen về nuôi. Vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa để bán kiếm thêm thu nhập. Bà Hồ Thị Phượng phấn khởi cho biết: "Hội phụ nữ huyện cho lợn để nuôi. Họ cho mình nuôi lớn xong bán đi để mua lứa khác về nuôi. Cũng dễ nuôi, nói chung mình cắt môn rồi nấu với bột ngô cho ăn. Ăn ngày 3 bữa".
Giống như bà Hồ Thị Phượng, các hội viên phụ nữ khác được nhận lợn giống đều có ý thức trong việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Thống kê cho thấy, cả 6 hộ gia đình vẫn đang tiếp tục duy trì nuôi 14 con lợn, có hộ đã nuôi đến lứa thứ 3. Ngoài ra còn kết hợp chăn nuôi thêm gần 300 con gà, ngan, vịt để tăng thêm thu nhập. Phong trào chăn nuôi tiếp tục được nhân rộng ra các hội viên khác trong bản với hơn 30 con lợn nái và lợn thịt.
Chị Cao Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa: "Thời gian qua thì mô hình này được các chị em duy trì rất tốt, trước đây cũng có hỗ trợ cho nhưng chưa duy trì được. Hội LHPN xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và nhân rộng phát triển chăn nuôi lợn và các loại gia cầm khác. Có chị mạnh dạn nuôi lợn nái để bán lại giống cho chị em có nhu cầu".
Bản Cáo, xã Lâm Hóa hiện có 50 hộ, 220 khẩu đồng bào Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt sinh sống. Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên người dân ở đây đều nỗ lực thay đổi “nếp nghĩ, nếp làm”, không còn tâm lý “trông chờ, ỷ lại” mà tích cực trong sản xuất, chăn nuôi nhằm cải thiện sinh kế hộ gia đình. Qua đó, khẳng định việc chú trọng hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn cách thức sản xuất, chăn nuôi để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hội viên phụ nữ chủ động nguồn thu nhập đang ngày càng phát huy được hiệu quả.
Tuấn Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn