Tích cực chăm sóc hoa Tết

Thứ tư - 06/12/2023 02:11
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, các hộ trồng hoa trên địa bàn xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa đang tất bật chăm sóc diện tích hoa, đảm bảo phục vụ nhu cầu trong dịp Tết đến, xuân về.
Tích cực chăm sóc hoa Tết

Những ngày này, ông Hà Minh Hàn, thôn Tây Hóa, xã Mai Hóa đang tất bật chăm sóc cho diện tích hoa của gia đình. Năm nay, ông trồng hơn 17.000 giống hoa cúc các loại. Với kinh nghiệm qua nhiều năm trồng hoa, ông Hàn thường xuyên theo dõi, chăm sóc hoa theo một quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt, đảm bảo để hoa phát triển tốt, kịp phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.

1
Ông Hà Minh Hàn, thôn Tây Hóa, xã Mai Hóa đang tất bật chăm sóc cho diện tích hoa của gia đình.

Ông Hà Minh Hàn, thôn Tây Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: Trước hết phải thực hiện tốt việc làm ải đất, vét luống, sau đó khi có giống về thì mình cấy. Muốn hoa nở đúng dịp Tết thì phải thường xuyên theo dõi, nếu phát triển đúng thời gian, kỹ thuật thì không sao, nếu phát triển chưa đủ tốt thì phải tích cực chăm bón thêm. Nếu thuận lợi thì với 1.000 gốc hoa có thể thu về 4 triệu đồng, 10.000 gốc thì khoảng 40 triệu đồng.
 

1
Các hộ gia đình tất bật chăm sóc vườn hoa.

Xã Mai Hóa hiện có 9 hộ gia đình trồng hoa Tết, với khoảng 0,6 ha diện tích, tập trung tại hai thôn Tây Hóa và Liên Sơn. Ngay từ đầu tháng  9(ÂL), các hộ dân đã tập trung làm đất, xuống giống hoa, chủ yếu là các giống hoa cúc, hoa lay ơn, vạn thọ… Theo kinh nghiệm của người trồng hoa, để điều chỉnh quá trình nở bông theo ý muốn, sau khi xuống giống 3 – 5 ngày, các hộ trồng hoa sẽ giăng bóng đèn điện để kích thích hoa phát triển.
Vụ hoa năm nay, gia đình bà Trần Thị Hường, thôn Liên Sơn, xã Mai Hóa trồng gần 30.000 gốc hoa cúc, trong đó có 20.000 gốc trồng theo luống và 10.000 gốc trồng chậu. Bà Hường đầu tư hơn 100 bóng đèn chiếu sáng vào ban đêm, kết hợp thường xuyên theo dõi thời tiết, quá trình sinh trưởng để có biện pháp cắt tỉa, tưới nước, bón phân, cắm cọc và chong đèn điều tiết ra hoa phù hợp. 

1
Bà Trần Thị Hường, thôn Liên Sơn, xã Mai Hóa “chong đèn” cho ruộng hoa của mình. 

Bà Trần Thị Hường, thôn Liên Sơn, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ thêm: Thời gian chong đèn kéo dài trong 6 tiếng (từ 18h đến 0h đêm), phải căn đúng thời gian để bật, tắt đèn vì nếu không phù hợp thì hoa sẽ nở sớm hoặc muộn làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ
Bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội nông dân xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: Ngoài phương pháp canh tác truyền thống, hiện bà con nông dân đã biết áp dụng biện pháp trồng và chăm sóc hoa theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, nhất là sử dụng phương pháp chong đèn chiếu sáng cho hoa vào ban đêm giúp cây phát triển nhanh. Thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang trồng hoa nhằm góp phần nâng cao nguồn thu nhập.

1
Việc chong điện thắp sáng giúp cây hoa phát triển tốt.


Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng và được mọi người trông đợi nhất trong năm. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Mai Hóa nói riêng, huyện Tuyên Hóa nói chung chuyển hướng sang trồng các loại hoa Tết với sức tiêu thụ khá ổn định. Cùng với sự đầu tư, chú trọng từ người nông dân, kỳ vọng sẽ có một vụ hoa tết năng suất, hiệu quả.  
 


                         Tuấn Anh – Thế Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây