Mô hình cánh đồng lớn giống lúa SV181 và HĐ9 được Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 159 ha tại 5 xã của huyện Tuyên Hóa gồm Đức Hoá, Thạch Hoá, Phong Hoá, Tiến Hoá, Văn Hoá. Trong đó 129 ha giống SV181 và 30 ha giống lúa HĐ9. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, đồng thời được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăm sóc cây lúa hữu cơ theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Công ty Giống cây trồng Quảng Bình cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân sau khi thu hoạch. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Trạm giống Tuyên Minh – Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cho biết: “Các giống lúa SV181 và HĐ9 chúng tôi xác định là các giống tiềm năng và chất lượng. Đối với hai giống lúa này hoàn toàn nổi trội hơn so với các giống lúa khác về tỉ lệ chắc hạt, tính chống chịu, đổ ngã và các điều kiện bất thuận thời tiết trên địa bàn”.
Qua đánh giá thăm đồng cho thấy, hai giống lúa SV181 và HĐ9 đều có khả năng thích ứng với khí hậu và thỗ nhưỡng của địa phương; thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp sản xuất cả hai vụ mùa, trong đó vụ Đông xuân từ 115 – 120 ngày, vụ Hè thu từ 90 – 92 ngày. Cả hai giống lúa đều thể hiện khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cứng cây nên tỷ lệ bổ ngã do mưa, gió thấp. Lúa chín có số hạt nhiều, tỷ lệ lép thấp, hạt gạo dẽo mềm và thơm. Năng suất lúa ước tính đạt 3,5 tạ/sào, tương đương 65 – 70 tạ/ha, có nhiều chân đất đạt trên 75 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Đức, thôn 4 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Thời tiết vụ Đông xuân năm nay tương đối bất lợi, tuy nhiên chưa phát hiện trên hai giống lúa này bị ảnh hưởng nhiều bởi các loại sâu bệnh. Đặc biệt là gạo ngon, bền gạo. Từ trước đến nay theo bản thân tôi đánh giá thì hai giống lúa này nổi trội hơn hẵn so với các giống lúa khác đã từng đưa vào sản xuất ở địa phương”.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm khuyến khích nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang hình thức canh tác mới, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong đó, hai giống lúa SV181 và HĐ9 bước đầu cho thấy hiệu quả cao theo hình thức canh tác này. Nếu đưa vào sản xuất đại trà sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Trong thời gian tới thì chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động bà con nông dân nhân rộng hai giống lúa này trên địa bàn huyện, cũng như thực hiện phương án sản xuất theo hướng hữu cơ để từng bước nâng cao giá trị, chất lượng của lúa”. Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa cho biết.
Tuấn Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn