Năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai, làm 16.000 người chết, thiệt hại về kinh tế trên 343 tỷ USD. Trong nước, thiên tai tuy không khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong năm 2021, đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm 70% so với năm 2020, thiệt hại người, làm 108 người chết và mất tích; về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn bộc lộ mốt số tồn tại hạn chế, đó là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn; việc xây dựng phương châm 4 tại chỗ một số nơi còn mang tính hình thức; khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn hạn chế, bị động, lúng túng; công tác khắc phục hậu quả triển khai còn chậm; công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa còn tồn tại, bất cập.
Trên cơ sở phân tích các khó khăn, hạn chế, nhận định tình hình thời tiết và thiên tai trong năm 2022, hội nghị đã tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai để ứng phó từ sớm, từ xa. Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT và TKCN.
Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn