Triển vọng từ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ hai - 14/08/2023 00:25
Để thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên đất hoa màu kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Thi, thôn Đồng Lào, xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã mạnh dạn chuyển diện tích đất trồng ngô của gia đình sang xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Thuận Hoá.
Triển vọng từ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP được anh Nguyễn Văn Thi triển khai xây dựng vào tháng 5/2023 trên diện tích 810m2, với 1.600 gốc dưa lưới và dưa vàng. Tổng chi phí đầu tư đến nay khoảng 800 triệu đồng, trong đó, anh được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón và một phần chi phí làm nhà lưới.
Mỗi gốc dưa lưới và dưa vàng được trồng riêng trong từng chậu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý, được lót bạt cách ly với nền đất, đồng thời bón phân hữu cơ kết hợp với tưới nước nhỏ giọt công nghệ Isarel được dẫn về tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động. Toàn bộ các công đoạn từ ươm giống, thụ phấn đến chăm sóc cây đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, tỉ mỉ và cẩn thận. Anh Thi cho biết: "Đầu tiên là khâu phân tro phải xử lý đảm bảo hiệu quả, sau đó mới tiến hành ươm cây. Khi cây đạt từ 1 đến 2 lá mới đưa vào bầu để trồng và chăm sóc. Mới đầu cũng gặp nhiều khó khăn do mình chưa nắm vững hết kỹ thuật. Tuy nhiên đến thời điểm này thì cơ bản vườn dưa đạt hiệu quả từ 80 đến 90%".

ps dua luoi 00 01 03 05 still004
Trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn thận.

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là tại địa phương có điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở huyện Tuyên Hóa thì việc đầu tư lắp đặt nhà lưới sẽ hạn chế được những ảnh hưởng của môi trường, thời tiết và sâu bọ từ bên ngoài. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của anh Thi phát triển tốt. Theo anh Thi, tuy phải bỏ nguồn vốn đầu tư nhiều nhưng năng suất, sản lượng cao, thu nhập mang lại cũng cao hơn. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, vụ dưa này có thể mang lại nguồn thu từ 50 – 60 triệu đồng. Một vụ sản xuất dưa khoảng từ 80-85 ngày nên có thể sản xuất liên tiếp được 3 vụ mỗi năm mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết.

2
Mỗi quả dưa lưới chín có trọng lượng trung bình từ 1,5kg - 2 kg. Giá bán tại vườn dao động từ 40.000 đồng - 45.000/1kg.

Ông Nguyễn Xuân Các, Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: "Dựa trên hiệu quả mà mô hình có thể mang lại, thời gian tới UBND xã Thuận Hóa sẽ nghiên cứu để tuyên truyền, vận động bà con phát triển các mô hình sản xuất tương tự như vậy để chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang làm các mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, qua đó tăng năng suất, sản lượng, tạo thu nhập cao cho người dân".
Việc anh Nguyễn Văn Thi mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất truyền thống sang canh tác theo tiểu chuẩn VietGAP trong nhà lưới là một hướng đi tiềm năng, mang lại triển vọng cao về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn, khả năng nắm vững khoa học – kỹ thuật, sự chịu khó học hỏi và một đầu ra ổn định. Vì vậy để có thể nhân rộng và duy trì mô hình này trên địa bàn huyện thì rất cần những chính sách hỗ trợ hợp lý về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây