Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Tuyên Hoá, có đồng chí Lê Nam Giang, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự huyện.
Theo ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh, từ đầu năm đến nay, mưa giông và lốc xoáy đã làm hư hỏng, gãy đổ khoảng 13.580ha lúa, 90ha hoa màu; hư hỏng, tốc mái 130 nhà,…Hiện, toàn tỉnh có 85 điểm sạt lở núi với 1.116 hộ và 3.625 nhân khẩu bị ảnh hưởng; 25 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 53km; 31 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp; 34 vị trí ngầm tràn thường xuyên bị ngập lụt…Dự báo từ nay đến hết năm 2023, trên biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh, dự báo trong thời gian tới, các loại hình thiên tai diễn biến phức tạp, trước mắt, trong 10 ngày tới, từ tỉnh, huyện, thôn, xóm cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai công tác PCTT và TKCN; quán triệt phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân…Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động quán triệt, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; rà soát các trạm, chốt, chủ động di dời, tránh xa các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn cần khẩn trương triển khai ngay lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, đồi núi để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân; sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi… khi mưa lũ xảy ra…
Thuý Hằng – Văn Tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn