Sinh ra trong một gia đình thuần nông, học hết trung học phổ thông, anh Trần Xuân Tý cũng bôn ba kiếm sống bằng nhiều nghề nhưng công việc không ổn định, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Năm 2017, anh quyết định về lập nghiệp ở địa phương với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
Nhận thấy khu đất vườn rộng hơn 2 ha lâu nay vẫn trồng keo cho hiệu quả kinh tế không cao, nhiều lứa keo trồng ra bị mất trắng do mưa bão lớn làm gãy đổ, anh Trần Xuân Tý đã bàn bạc với gia đình chuyển sang trồng bưởi Phúc Trạch, đồng thời huy động vốn liếng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Bằng sự kiên trì, chịu khó của bản thân cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, đến nay mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả của anh Trần Xuân Tý đã mang lại hiệu quả cao, trở thành mô hình sản xuất tiêu biểu ở địa phương.
Anh Trân Xuân Tý, thôn Tân Sơn, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Khi mới bắt tay thực hiện mô hình, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn. Nhưng được sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, sự tạo điều kiện của đoàn thể và ngân hàng cho vay vốn ưu đãi nên đã đầu tư xây dựng mô hình hiệu quả. Bản thân tôi cũng chịu khó tìm hiểu qua sách báo, kinh nghiệm của những người đi trước về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để áp dụng vào thực tế của gia đình. Đến thời điểu hiện tại mô hình đã cho thu nhập ổn định, mỗi năm trừ hết chi phí còn khoảng 400 đến 500 triệu đồng”.
Vườn cây ăn quả của anh Trần Xuân Tý có diện tích khoảng 1,2ha với 350 gốc bưởi Phúc Trạch đã cho thu hoạch, hiện nay anh đang làm cỏ, tỉa cành để chuẩn bị bón phân cho cây. Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi ngon, có thương hiệu trên thị trường và được người tiêu dùng mọi miền biết đến. Giống bưởi này có xuất xứ tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, là địa bàn giáp ranh với xã Hương Hóa, nơi có đặc điểm khí hậu, đất đai gần như tương đồng. Vì vậy, khi anh Trần Xuân Tý đưa cây bưởi Phúc Trạch về Hương Hóa trồng thì cây phát triển tốt và chất lượng được giữ nguyên, giá cả ổn định. Hiện nay giá bán bình quân từ 15 đến 30 ngàn đồng/quả”.
Chuồng trại chăn nuôi lợn được anh Trần Xuân Tý xây dựng theo hướng bán tự động, khép kín, có hệ thống điều hòa không khí giúp đàn lợn phát triển tốt, đồng thời đảm bảo vệ sinh phòng dịch và môi trường. Hiện tại gia đình anh Tý thường xuyên nuôi 30 con lợn nái sinh sản và khoảng 300 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Anh Đinh Xuân Hậu, Bí thư Đoàn xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Mô hình sản xuất của anh Trần Xuân Tý hiện là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu trong đoàn viên thanh niên của xã Hương Hóa. Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Tý cũng tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội ở địa phương, sẵn sàng chia sẽ, giúp đỡ những đoàn viên thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu tại địa phương. Trong thời gian tới, Đoàn xã Hương Hóa tiếp tục đẩy mạnh phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình”.
Với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, anh Trần Xuân Tý đã gặt hái được thành quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế của gia đình. Qua đó khẳng định được tinh thần giám nghĩ giám làm, ý chí vươn lên làm giàu trên quê hương của thế hệ trẻ hôm nay.
Văn Tư – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn