Trước khi đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, anh Nguyễn Phương Chân, ở thôn Đông Thuận, xã Mai Hoá (huyện Tuyên Hoá) đã có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi bò sinh sản và làm thịt gia súc để bán. Với quyết tâm mở rộng quy mô chăn nuôi và đổi mới phương thức làm ăn kinh tế, năm 2011 anh Chân mạnh dạn vay ngân hàng với số tiền 800 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại. Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 30 con, quá trình chăn nuôi cho kết quả thu nhập khá. Sau một thời gian nuôi bò vỗ béo, anh đã tích luỹ được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm, từ đó, anh đã tăng tổng đàn lên từ 70 đến 80 con.
Anh Nguyễn Phương Chân, thôn Đông Thuận, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Chăn nuôi thời gian lâu có nhiều kinh nghiệm và cũng vì đam mê. Ban đầu thì nuôi ít, lâu phát triển thành đàn. Vì tận dụng được nguồn thức ăn và nhận thấy một số bà con thời gian tương đối rảnh rỗi, không có công ăn việc làm nên tôi quyết định thành lập trang trại chăn nuôi, vừa tạo việc làm cho gia đình vừa tăng thu nhập cho một số lao động rỗi rãi công việc. Để phát triển thêm đàn thì phải đầu tư thêm đất đai chuồng trại. Muốn cho đàn bò phát triển khoẻ mạnh thì phải thường xuyên tiêm phòng dịch, cho ăn đảm bảo, theo dõi hàng ngày, chuồng trại khi nào cũng thoáng mát sạch sẽ, nguồn thức ăn phải thay đổi thường xuyên để bò đảm bảo sức khoẻ và thịt được thơm ngon, đảm bảo chất lượng để bán ra thị trường”.
Giống bò của gia đình anh Chân nuôi chủ yếu là giống bò cỏ, bò lai ở địa phương. Anh Chân cho biết, trong quá trình chăn nuôi, công tác tiêm phòng cho bò luôn được anh chú trọng. Bên cạnh đó, chuồng trại phải luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, cho ăn điều độ và đủ chất dinh dưỡng. Ngoài nguồn thức ăn chính là cỏ voi, mía anh Chân còn cho bò ăn thức ăn ủ lên men để giúp bò dễ tiêu hoá và hấp thu nhanh và cho chất lượng thịt thơm ngon. Để bò đạt tiêu chuẩn khi xuất chuồng, bò được vỗ béo từ 3 đến 4 tháng; khi bò đạt trọng lượng từ 500 – 600kg/ con thì xuất bán. Hiện nay, với giá bán khoảng 75 ngàn đồng/1 kg thịt hơi, sau khi trừ chi phí, mỗi con bò cho thu lãi gần 5 triệu đồng. Trong đợt tết Nguyên Đán vừa rồi gia đình anh đã bán 50 con bò, thu về trên 250 triệu đồng tiền lãi.
Anh cho biết thêm, trong thời gian gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bò giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi bò nói chung và trang trại của gia đình anh Chân nói riêng.
Anh Nguyễn Phương Chân, thôn Đông Thuận, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ thêm: “Chăn nuôi trong thời điểm này cũng rất khó khăn vì thiếu nguồn vốn, lãi cao, thức ăn tăng cao mà giá thành bò bán ra thì không được cao, nên tôi cũng rất băn khoăn, lo nghĩ thời gian tới không biết thế nào, nên mong muốn các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện, tạo mọi nguồn vốn để cho những người chăn nuôi như chúng tôi có điều kiện để vay thêm nguồn vốn, lãi suất thấp để duy trì phát triển chăn nuôi”.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Chân đã thuê đất để trồng mía, trồng cỏ voi, đây là 2 nguyên liệu chính để làm thức ăn cho đàn bò; bên cạnh đó anh còn tận dụng rơm rạ phơi khô để dự trữ thức ăn vào mùa mưa lạnh. Anh đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm xử lý chất thải, để bón cho cỏ, mía và bán cho người dân làm phân bón cho cây trồng. Với diện tích gần 1 ha đất, anh Chân đã xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang, thoáng mát trị giá gần 3 tỷ đồng. Phía trên chuồng được lát sàn để đựng thức ăn khô và tạo lớp cách nhiệt chóng nóng cho đàn bò. Hiện trang trại thường xuyên duy trì nuôi từ 70 – 80 con bò, vừa bán cho các thương lái, vừa chủ động được bò để mổ thịt bán hàng ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/ người/tháng. Sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 400 triệu đồng/năm.
Bà Trần Thị Tuyết – Chủ tịch Hội nông dân xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá cho biết: “Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Nguyên Phương Chân là một trong những mô hình tiêu biểu trên địa bàn xã, thực hiện theo đề án phát triển chăn nuôi tập trung của huyện và kế hoạch của UBND xã. Mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động ở nông thôn, mô hình cũng đã được nhiều hội viên nông dân của xã bạn đến tham quan học tập. Để tiếp tục hỗ trợ cho mô hình duy trì và phát triển, thời gian tới Hội nông dân xã sẽ tìm kiếm những nguồn vốn vay ưu đãi để giúp các hộ chăn nuôi duy trì và mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, góp phần vào việc phát triển kinh tế hộ và phát triển kinh tế chung trên địa bàn xã”.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Phương Chân ở thôn Đông Thuận là mô hình nuôi bò vỗ béo có quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn xã Mai Hoá, cũng là mô hình điển hình của xã trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi tập trung giai đoạn 2021-2025 của huyện. Với công sức và tâm huyết của gia đình anh Chân, quy mô trang trại chăn nuôi bò vỗ béo sẽ ngày càng phát triển, qua đó nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.
Thuý Hằng – Thế Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn