Năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa gặp phải những khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con Nhân dân. Nhưng với sự chỉ đạo, giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành quyết liệt của UBND huyện, sự nổ lực của các cấp, các ngành, đơn vị đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác sản xuất, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chính tăng so với kế hoạch đề ra.
Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản ước đạt 621 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 2,8% so với năm 2022. Trong đó: Nông nghiệp 471 tỷ đồng, lâm nghiệp 130 tỷ đồng, thủy sản 20 tỷ đồng. Sản lượng lương thực 23.319,6 tấn, đạt 126,05% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện. Tổng đàn gia súc đến tháng 10 năm 2023 là 50.030 con, đạt 97,81% so với kế hoạch, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 54,6% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản lượng thủy sản 680 tấn, tăng 3,19% so với cùng kỳ. Trồng mới, trồng lại rừng tập trung trên 1.360 ha, đạt 136% so với kế hoạch; trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn 221,34 ha. Nuôi ong lấy mật hiện có 9.350 đàn, tăng 599 đàn so với cùng kỳ. Độ che phủ rừng duy trì trên 77,4%, đạt 103,2% so với kế hoạch. Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 98%, tăng 0,99% so với cùng kỳ. Năm 2023, phấn đấu thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến cuối năm, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp năm 2023 là huyện Tuyên Hoá đã tăng cường hỗ trợ sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập trung xây dựng các mô hình giống cây, con chất lượng nhằm nâng cao thương hiệu sản phẩm. Năm 2023, huyện đã bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng, xây dựng các chuỗi giá trị: gạo sạch, cà gai leo, nuôi ong, cây có múi... gắn với xây dựng thương hiệu và sản phẩm Ocop. Huyện Tuyên Hoá cũng đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để triển khai thực hiện một số mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư giúp nông dân tiếp cận và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giống lúa chất lượng cao SV181, Hương Bình; mô hình sản xuất giống lạc L20, L29; lạc cúc Cao Quảng; mô hình trồng bưởi Phúc Trạch, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, nuôi hươu lấy nhung, nuôi dúi, chồn hương... Việc thực hiện mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 42 HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp, 14 trang trại đủ điều kiện, 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ocop 3 sao.
Năm 2023, huyện Tuyên Hóa cũng đã làm tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp theo Chỉ thị 03 của UBND tỉnh.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, dự báo tình hình trong thời gian tới; hội nghị đã thống nhất các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2024 và vụ Đông xuân 2023 – 2024 trên địa bàn huyện. Theo đó, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2024 là 634 tỷ đồng; sản lượng lương thực 20.332 tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 54,7% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; phấn đấu thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 14 xã; xây dựng 05 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 05 vườn mẫu nông thôn mới.
Văn Tư – Tuấn Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn